Hiện nay các tranh chấp liên quan đến nhà từ đường – nhà thờ họ diễn ra rất nhiều xung quanh cuộc sống của chúng ta. Vậy làm thế nào để hiểu đúng các quy định pháp luật về nhà thờ họ tại Việt Nam? Đừng lo, bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giải đáp cho quý độc giả!
Nội dung bài viết
1. Quy định của pháp luật về nhà thờ họ ở Việt Nam
Trước hết, chúng ta phải phân biệt nhà thờ họ được đề cập tới ở đây là một công trình tâm linh để thờ cúng ông bà, tổ tiên và cất giữ kỷ vật của một gia tộc chứ không phải là nhà thờ của tôn giáo.
Chính vì thế, khi một công trình dòng họ được xây dựng ắt có chủ thể đứng lên có trách nhiệm và pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định minh bạch về những công trình tâm linh mang tính cộng đồng này, cụ thể như sau:
Khoản 1, Điều 211 Bộ luật dân sự 2015 quy định về sở hữu chung của cộng đồng: “1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.”
Căn cứ vào điều khoản trên, có thể hiểu rằng, nhà thờ họ được xây dựng dựa trên sự đóng góp về nhiều mặt (tiền bạc, công sức, vật liệu,…) của mỗi thành viên, do đó mỗi dòng họ đều có quyền được được định đoạt, quyết định theo những thỏa thuận, nội quy riêng của dòng họ cũng như phong tục tập quán tại địa phương đó.
Song để đảm bảo quy tắc ứng xử chung, những thỏa thuận, phong tục này nhất định không được trái với luật pháp Việt Nam hay vi phạm đạo đức xã hội. Đặc biệt là tài sản chung của cộng đồng cụ thể là nhà Thờ họ này là tài sản hợp nhất không phân chia.
2. Quy định của pháp luật về đất có chứa nhà thờ họ ở Việt Nam
Theo khoản 5 điều 100 Luật đất đai 2013: “5. Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 131 của Luật này và đất đó không có tranh chấp, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Như vậy theo điều khoản này, nhà thờ họ hoàn toàn được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
3. Đất có nhà thờ họ – nhà từ đường có được phép chuyển nhượng hay không?
Như đã trình bày ở trên, nhà thờ họ (nhà từ đường) là công trình tâm linh được xây dựng dựa trên sự đóng góp về nhiều mặt (tiền bạc, công sức, vật liệu,…) của mỗi thành viên.
Ngoài ra, Điều 645 Bộ luật dân sự cũng quy định: “1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.”
Như vậy, ta có thể hiểu rằng, người được chỉ định thực hiện việc thờ cúng (theo di chúc) ngoài ra không có bất cứ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đất nào có chứa nhà thờ họ thì không được phép hay có quyền chuyển nhượng.
4. Ai sẽ là người giải quyết khi xảy ra tranh chấp đất nhà thờ họ?
Khi xuất hiện mâu thuẫn về quyền sử dụng đất đối với nhà thờ họ thì mỗi cá nhân trong dòng họ đều có trách nhiệm và nghĩa vụ đứng ra giảng hòa và giải quyết mâu thuẫn sao cho hợp ý vừa lòng tất cả. Đặc biệt là các bậc trưởng bối, vì những người đứng đầu, lớn tuổi thường có tiếng nói.
Tuy nhiên đối với những vấn đề lớn hơn, không thể giải quyết bằng lời nói, đặc biệt vấn đề liên quan đến pháp luật thì cần có cơ quan có thẩm quyền định đoạt theo đúng quy định của nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền.
5. Quy trình, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như thế nào?
Những cá nhân đang quan tâm đến quy trình xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có công trình tâm linh là nhà thờ họ có thể tham khảo thủ tục sau:
Bước 1: Chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ liên quan
- Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu tiên theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường;
- Các giấy tờ về dòng họ và văn bản cuộc họp dòng họ để ủy quyền cho một thành viên thực hiện thủ tục;
- Một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất tại khoản 1,2 điều 100 Luật đất đai 2013 – nếu có.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Khi xác định đã hoàn thiện các giấy tờ, hồ sơ, cá nhân liên hệ ngay tới Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở tài nguyên và môi trường nơi có bất động sản để thực hiện tiếp nhận và hoàn tất thủ tục theo quy định.
Bước 3: Trả kết quả
Trên đây là những điều cần biết xoay quanh vấn đề “Nhà thờ họ ở Việt Nam có được phép bán hay không?”. Chúc bạn đọc chọn lọc được những thông tin bổ ích và phục vụ cho công việc của mình!
>>>Tham khảo: