Không ít người thắc mắc: Liệu Tết Hàn Thực có phải là Tết Thanh Minh không? Vì có những năm, Tết Hàn thực và Tết Thanh minh trùng ngày với nhau nên thường mọi người vẫn nghĩ đây là một. Cho đến nay vẫn có rất nhiều bàn cãi xung quanh vấn đề này.
Tuy nhiên không phải ai cũng biết Tết Hàn Thực là gì, ý nghĩa như thế nào và thực chất Tết Hàn Thực có phải là Tết Thanh Minh không? Hãy cùng Wikihoavien tìm hiểu nhé.
Nội dung bài viết
Tết Hàn Thực là gì?
Tết Hàn Thực là một ngày lễ tết diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Lịch âm là một loại lịch thời gian riêng của Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Á. Loại lịch này được tính theo chu kỳ của mặt trăng khác với dương lịch được tính theo vị trí của trái đất xoay xung quanh mặt trời.
Theo chữ Hán “Hàn” có nghĩa là lạnh, còn “Thực” có nghĩa là thức ăn. Ngày Tết Hàn Thực này xuất hiện tại một số tỉnh ở Trung Quốc và một số tỉnh ở miền Bắc Việt Nam.
Hàng năm cứ đến ngày này, các gia đình xay bột, mua đường phèn, đồ đỗ xanh, làm bánh trôi và bánh chay lễ Phật và cúng gia tiên. Tuy nhiên, ít ai biết rằng tết Hàn thực có xuất xứ từ Trung Quốc, nó được biết tới nhiều qua tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc.
Nguồn gốc
Chuyện kể rằng, vua Tấn Văn Công là người trị vì nước Tấn (Trung Hoa lúc bấy giờ). Đến một ngày nước Tấn gặp loạn, Tấn Văn Công phải bỏ quốc gia sống cảnh lưu vong nay nước Tề mai nước Sở. Trong thời buổi khó khăn này, rất may bên cạnh vua còn có một vị hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi luôn hết mình phò tá, giúp sức, bày mưu kế, ông là một người một mực trung thành với vua.
Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén tự cắt một miếng thịt đùi của mình để nấu dâng lên vua ăn. Vua Tấn Văn Công sau khi ăn xong, thấy lạ nên mới hỏi Giới Tử Thôi. Sau khi biết sự “hi sinh” này, trong lòng Tấn Văn Công vô cùng cảm kích.
Giới Tử Thôi theo phò tá vua trong suốt 19 năm trời, trải qua nhiều lần nằm gai nếm mật, khổ luyện thành tài. Sau này, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, trọng thưởng phong chức, tước cho những người có công khi tòng vong, nhưng lại vô tình quên mất Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng không hề oán trách, cho rằng phò tá vua là trách nhiệm, nghĩa vụ của bề tôi chứ không phải để đổi lấy vinh hoa phú quý. Về sau, ông lẳng lặng về quê nhà, đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn, sống những ngày tháng bình yên, an lạc.
Sau này vua mới nhớ ra, bèn sai người đi tìm Giới Tử Thôi. Nhưng Giới Tử Thôi là một người không màn danh vọng, chỉ muốn sống một cuộc đời an lạc bên mẹ già nên không đồng ý quay về lĩnh thưởng. Nghe vậy, vua hạ lệnh đốt rừng nhằm để ép Giới Tử Thôi xuất hiện. Không ngờ rằng, vì tinh thần kiên định, Giới Tử Thôi quyết không ra nên đành chết cháy cùng với mẹ ở trong rừng.
Nhà vua thương xót, hối hận vì hành động ngu ngốc của mình đành cho người lập miếu thờ Tử Thôi trên núi và đổi tên núi này là Giới Sơn. Sau đó, vua hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch), chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để bày tỏ lòng tưởng nhớ.
Từ đó, đến ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, người dân Trung Quốc tổ chức lễ tưởng nhớ vị hiền sĩ Giới Tử Thôi. Đồ cúng cũng phải chuẩn bị từ hôm trước vì lệnh cấm lửa. Tên gọi Tết Hàn Thực cũng ra đời từ đó.
>>>Tham khảo:
- Lễ phục hồn 3 ngày (Mở cửa mả) là gì? Thủ tục và lưu ý?
- Lễ truy điệu là gì? Ý nghĩa và nội dung của lễ truy điệu
Ý nghĩa Tết Hàn Thực 3-3 Âm lịch
Dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của dân tộc Việt Nam vẫn mang sắc thái riêng. Đây là dịp để người Việt hướng về cội nguồn, tưởng nhớ tổ tiên, những người đã khuất. Khác với bên Trung Quốc là người dân Việt vẫn nấu nướng bình thường không kiêng đốt lửa và sử dụng bánh trôi bánh chay là thức ăn nguội để cúng ông bà tổ tiên.
Cứ đến ngày 3/3 Âm lịch dù ở đâu ai cũng cố gắng về quê để đi tảo mộ cùng gia đình và cùng nhau quây quần bên mâm cơm sum họp.
Trong ngày này, người Việt thường làm những món bánh trôi, bánh chay để thắp hương. Có nhiều gia đình cũng có truyền thống tập trung con cháu, mọi người trong gia tộc để cùng nhau đi tảo mộ, thăm viếng những người đã khuất.
Tết Hàn Thực 2021 vào ngày nào?
Tết Hàn Thực là ngày mùng 3/3 Âm lịch hàng năm. Trong năm 2021 ngày mùng 3/3 Âm lịch sẽ là ngày 14/4 Dương lịch. Như vậy năm 2021 Tết Hàn Thực sẽ rơi vào thứ 4, ngày 14/4 Dương lịch.
Tết Hàn Thực có phải là Tết Thanh Minh?
Nhiều người cho rằng, Tết Thanh Minh và Tết Hàn Thực có cùng một nguồn gốc và chúng có liên quan đến nhau. Nhưng thực chất hai ngày này là hai dịp lễ hoàn toàn khác nhau. Có một số vùng gộp hai dịp này làm một nên khiến cho nhiều người nhầm tưởng Tết Thanh Minh rơi vào ngày 3/3 Âm lịch.
Nhưng thực tế Tết Thanh Minh hay Tiết Thanh Minh được tính bằng dương lịch hiện đại và không có ngày cố định. Thời gian bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5 của tháng 4 (sau khi kết thúc tiết xuân phân). Trong khi Tết Hàn Thực cố định vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm.
Tuy nhiên, trải qua nhiều thế hệ khác nhau, đặc biệt là có sự biến đổi văn hóa nhất định tại mỗi quốc gia, nên ngày Tết Thanh Minh và Tết Hàn Thực thường được tách biệt nhau về mặt ý nghĩa. Vào ngày Tết Hàn Thực, các gia đình Việt Nam thường làm đồ ăn (chủ yếu là 2 món bánh trôi và bánh chay) để thờ cúng ông bà tổ tiên. Việc này được diễn ra trong phạm vi gia đình và không có xu hướng đi xa.
Ở Việt Nam, Tết Thanh Minh được hiểu như ngày lễ của việc Tảo mộ – nghĩa là thăm nom, chăm sóc và tỏ lòng thành kính với người đã khuất tại chính nơi chôn cất họ. Như vậy, trong những ngày Tết Thanh Minh mọi người thường lên kế hoạch đi xa, đến nơi chôn cất người đã khuất để dâng nén hương, hoa quả và những vật dụng muốn gửi đến họ. Tết Thanh Minh được xem là ngày lễ quan trọng của năm, giúp người Việt Nam thể hiện sự thương nhớ, biết ơn cũng như lòng thành kính của mình tới ông bà tổ tiên.
Tết Hàn Thực thường chỉ kéo dài trong 3-4 ngày, cùng lắm là 1 tuần lễ (7 ngày); nhưng với Tết Thanh Minh mọi người có thể kéo dài từ 15 cho đến 30 ngày (tức là trong vòng 1 tháng). Trong những ngày tảo mộ, các gia đình Việt Nam thường tổ chức đi xa, kết hợp thăm nom mồ mả của ông bà tổ tiên với du lịch dã ngoại, nhằm tăng cường sự đoàn kết và gắn bó của các thành viên trong gia đình.
Tết Hàn thực nên ăn gì?
Nếu như Tết cổ truyền phải có “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ – Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” thì Tết Hàn Thực chắc chắn phải có món bánh trôi – bánh chay mới trọn vẹn. Cả hai loại bánh này đều được làm từ bột gạo nếp thơm tượng trưng cho sự tinh túy của đất trời, bày tỏ lòng thành của con cháu đối với ông bà tổ tiên.
Bí quyết rất hay để nhận biết bánh trôi đã chín chính là viên bánh sẽ nổi lên trên mặt nước luộc. Còn với món bánh chay sẽ được nặn dáng tròn dẹt hơn và không có nhân ở giữa như bánh trôi. Đây là món bánh khô nên chỉ khi ăn thì người ta mới thêm chút nước đường cho đậm đà.
Trong một số câu chuyện cổ tích, dân gian đã nhắc đến bánh trôi – bánh chay từ thời vua Hùng Vương, điều đó càng làm đặc biệt thêm nét văn hóa riêng biệt trong ngày Tết Hàn thực tại Việt Nam. Kể từ đó, cứ mỗi khi đến ngày 3/3 âm lịch nhà nhà vẫn nô nức chuẩn bị làm bánh trôi, bánh chay. Trong không khí xum vầy sung túc cùng tiếng cười đùa vui tươi của đám trẻ con, ngày đặc biệt lại càng ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Mâm cúng như thế nào cho đúng?
Sau khi du nhập vào Việt Nam thì Tết Hàn thực còn có tên gọi là Tết bánh trôi, bánh chay hay Tết tháng 3.
Trong mâm lễ cúng Tết Hàn thực, không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Số lượng bánh trôi, bánh chay “chuẩn” nhất trong mâm cúng là 5 hoặc 3 bát bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay.
Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải kén được nếp cái hoa vàng. Cứ chín phần nếp cho một phần tẻ hoặc non hai phần tẻ.
Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên, những miếng đường vuông thành, sắc cạnh, đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát.
Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” thì vớt ra và ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi lại vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm.
Trong mâm cỗ bắt buộc còn phải có: Hương, hoa quả tươi, trầu cau, ly nước sạch.
Ngoài những thực phẩm trên, các gia đình có thể mua một đĩa hoa quả tươi với khoảng 5 loại quả. Tùy từng mùa, gia chủ chọn 5 quả có màu sắc khác nhau như màu xanh, đỏ, vàng, tím… để đại diện cho ngũ hành, dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành.
Đặc biệt, Tết Hàn Thực nên cúng vào buổi sáng là tốt nhất.
Ngoài ra, mọi người lưu ý không nên thay thế ly nước sạch, trong ngày lễ này bằng các loại nước khác vì như vậy mất đi sự thanh tịnh; Nên dùng nước tự nhiên, nước sôi, không có thứ gì bên trong là được.
Bên cạnh đó, vào ngày lễ này các gia đình không cần chuẩn bị “mâm cao, cỗ đầy”, bày vẽ các thủ tục tốn kém mà chỉ cần thành tâm, dâng bánh trôi, chay lên ban thờ ông bà, tổ tiên, nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.
Tham khảo: